Nhớ về Quốc văn giáo khoa thư

VHO- Quốc văn giáo khoa thư (QVGKT) do các học giả Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc, Đỗ Thận biên soạn, xuất bản cách đây đã hơn 80 năm, nhưng vẫn như còn tinh khôi với chúng ta hôm nay. Vì sao? Câu trả lời không khó: Vì nó có cái căn cốt văn hóa của giáo dục và đề cao nền quốc ngữ, quốc văn. Là người dạy học lâu năm, với người viết, những bài học của các bậc tiền nhân không bao giờ cũ, trái lại lúc nào cũng như bắt đầu một cuộc khám phá thế giới tinh thần của tuổi học trò khi đến với nhà trường, sách vở, chữ nghĩa. Đặc biệt, QVGKT nâng niu, bồi dưỡng tình yêu với tiếng mẹ đẻ - Tiếng Việt.

Đến hiện đại từ truyền thống là nhan đề tác phẩm của nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Hượu, diễn giải quan điểm nghiên cứu văn hóa, văn chương trên tinh thần biện chứng triết học. Giới nghiên cứu ở ta cho đến nay đều thống nhất quan điểm về quá trình hiện đại hóa văn chương nước nhà trong thời kỳ nửa đầu thế kỷ XX, đặc biệt giai đoạn 1930-1945, diễn ra dưới ảnh hưởng của văn hóa phương Tây. Đó là thời kỳ thay đổi hệ hình văn chương từ phạm trù “trung đại” sang “hiện đại” nhờ ngọn gió mới của văn hóa Âu châu. Nhưng dường như có kẽ hở trong quan niệm của giới nghiên cứu khi không chú trọng đúng mức quy luật nội tại, nội sinh: Quá trình hiện đại hóa này diễn ra như là kết quả của một quá trình kép - sự hôn phối giữa cái dân tộc cái thế giới, giữa cái truyền thống cái hiện đại, nói cách khác là tinh thần tiếp biến tinh hoa văn hóa dân tộc đồng thời với tiếp biến tinh hoa văn hóa nhân loại.

Thực tế cho thấy, để chuẩn bị cho nhiệm vụ biên soạn sách giáo khoa theo chương trình đổi mới, những người làm quản lý giáo dục và người thực thi đã được cử đi nước ngoài để tham khảo, học hỏi kinh nghiệm. Nhưng còn kinh nghiệm của chính các bậc tiền nhân, như các tác giả QVGKT, và gần hơn là những nhà giáo dục với tinh thần tận hiến thời kỳ đầu sau Cách mạng Tháng Tám (1945), đến đầu những năm 60 thế kỷ trước ở miền Bắc, của các tác giả miền Nam trước 1975 đã được đặt ra và thực hiện như thế nào? Tiếng Việt, văn Việt (quốc ngữ, quốc văn) hiện trạng không gây niềm lạc quan là do những nguyên nhân sâu xa nào, tuy đã có nhiều bàn thảo, nhưng ít khi truy tìm được gốc rễ của nó.

Tiếng Việt là một trong những di sản văn hóa lớn lao của dân tộc. Không thể nói là không thuyết phục khi vào những năm 20 của thế kỷ XX đã có học giả minh định: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn”. Không thể chối cãi, với Truyện Kiều, Đại thi hào Nguyễn Du đã nâng tiếng Việt lên một tầm cao mới, hiện đại, trong sáng, giàu có, tiềm năng. Tiếng Việt trong Truyện Kiều đã trở thành quốc hồn, quốc túy, quốc bảo. Văn chương truyền thống dân tộc từ Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, đến Nguyễn Du đã đạt tới giá trị cổ điển. Nhưng còn một văn mạch khác chứa chan hồn cốt dân tộc, đó là tục ngữ, ca dao, dân ca, cổ tích, ngụ ngôn, truyền thuyết. Chỉ cần một câu ca dao “Hỡi cô tát nước bên đàng/ Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi” đã làm tốn bút mực của biết bao văn nhân, đã làm mê đắm bao thế hệ yêu thích văn thơ dân tộc Việt. Thiết nghĩ, những người làm sách giáo khoa, đặc biệt sách Tiếng Việt cho lớp 1, cứ học và hành từ ngay trong vốn liếng của cha ông theo tinh thần đến hiện đại từ truyền thống. 

BÙI VIỆT THẮNG

Ý kiến bạn đọc